June 1, 2023

NhasiUpdate

Chuyên trang RHM

Kỹ thuật so màu răng và những sai lầm thường gặp

Việc so màu phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và khả năng của các bác sĩ lâm sàng, chất lượng của bảng so màu, điều kiện cũng như kĩ thuật so màu được sử dụng.

Bảng so màu VITA cổ điển (VITA classical A1-D4) từ khi được giới thiệu vào năm 1956 thì đã trở thành tiêu chuẩn vàng trong so màu. Thật vậy, hầu hết các loại vật liệu phục hồi, đặc biệt là nhựa composite đều dựa vào nó. Theo nhà sản xuất, các cây so màu A1-D4, theo thứ tự từ A đến D, được sản xuất dựa theo nhóm màu (Hue):

– Nhóm A là màu nâu đỏ (Reddish-brown).

– Nhóm B là màu vàng đỏ (Reddish-yellow).

– Nhóm C là màu hơi xám (Grayish).

– Nhóm D là màu xám đỏ (Reddish-gray).

Hình 5.1.a, Bảng so màu VITA Classical.

 

Độ Chroma và Value (xem thêm trong bài các yếu tố ảnh hưởng đến so màu răng) của mỗi nhóm màu được biểu thị bằng con số ngay sau kí tự chữ cái, số càng lớn thì răng càng tối và sẫm màu, nghĩa là số 1 thể hiện răng màu nhạt nhất và sáng nhất (Chroma thấp nhất, Value cao nhất), trong khi đó số 4 thể hiện Chroma lớn nhất và Value thấp nhất.

Hình 5.1.b, Bảng màu VITA Classical được sắp xếp lại theo độ Value tăng dần (B1-C4).

 

 

Bảng so màu VITA 3D Master

Các cây so màu của bảng VITA 3D Master có kí hiệu dạng số – chữ cái – số (ví dụ 3M2), lần lượt thể hiện Value, Hue và Chroma. Các nhóm cây so màu được sản xuất chủ yếu dựa trên độ Value:

– Nhóm 0: 3 cây (màu răng tẩy trắng, sáng nhất)

– Nhóm 1: 2 cây

– Nhóm 2: 7 cây

– Nhóm 3: 7 cây

– Nhóm 4: 7 cây

– Nhóm 5: 3 cây (tối nhất).

Các nhóm 0, 1 và 5 chỉ có 1 màu duy nhất (1 Hue) với kí tự trung tâm là M. Ở các nhóm 2, 3 và 4, các cây so màu với màu khác nhau (Hue khác nhau) được xếp thành 3 hàng, và kí tự trung tâm là:

– L (left) là màu hơi vàng.

– M (Middle) là màu trung tính.

– R (right) là màu hơi đỏ.

Trong mỗi nhóm, độ Chroma được thể hiện bằng chữ số ngay sau kí tự trung tâm (kí tự trung tâm là đại diện cho Hue) và được sắp xếp theo chiều dọc:

– Số 1 là Chroma thấp (nhạt).

– Số 2 là Chroma trung bình.

– Số 3 là Chroma cao (sẫm màu).

Hình 5.2. Bảng so màu VITA 3D Master, được chia làm 6 nhóm từ nhóm 0 đến nhóm 5 (chữ số đầu tiên trong mã màu) dựa trên độ sáng (Value). Trong mỗi nhóm, theo chiều ngang là Hue khác nhau (L, M, R chỉ có ở nhóm 2, 3 và 4) và Chroma khác nhau theo chiều dọc (chữ số cuối cùng trong mã màu).

 

 

Phương pháp so màu theo khuyến cáo của nhà sản xuất bao gồm 3 bước theo thứ tự sau:

1. Xác định Value (độ sáng): chọn 1 nhóm màu từ nhóm 0 đến nhóm 5, với nhóm 0 là màu sáng nhất (Value cao nhất) và nhóm 5 là tối nhất (Value thấp nhất) sao cho giống với độ sáng của răng cần so màu nhất, sau đó lấy nhóm cây M (medium) từ nhóm Value đã chọn.

2. Xác định Chroma: từ nhóm cây M đã chọn, bác sĩ sẽ chọn 1 cây M trong đó có độ Chroma gần giống với răng cần so màu nhất (Chroma từ 1 đến 3, với 1 là nhạt nhất và 3 là đậm nhất).

3. Xác định Hue (màu): bác sĩ quan sát xem răng có màu hơi ngả vàng (L) hay đỏ (R) từ nhóm màu có độ Value và Chroma đã chọn trước đó. Ngoại trừ nhóm số 0, 1 và 5 thì không có sự khác nhau nào về Hue cả, nên đối với 3 nhóm này, việc so màu kết thúc ở bước số 2.

 

Những yếu tố quan trọng cần phải xem xét khi thực hiện so màu răng

Mong muốn của bệnh nhân

Yếu tố quan trọng đầu tiên cần chú ý là mong muốn của bệnh nhân về màu răng của mình. Thông thường, mong muốn của bệnh nhân sẽ rơi vào 1 trong 3 nhóm sau:

Nhóm 1. Hollywood: nhóm bệnh nhân muốn răng thật trắng và thẳng đều. Những bệnh nhân này thường là người nổi tiếng (H5.6).

Hình 5.6. Mong muốn của 1 bệnh nhân thuộc nhóm “Hollywood”. (a) Trước điều trị và (b) Sau điều trị theo mong muốn của bệnh nhân.

 

Nhóm 2. Alfred E. Newman (các bạn có thể xem thêm về nhân vật này trên wikipedia): thiết kế và thực hiện phục hình hoàn toàn dựa trên chuyên môn của bác sĩ. Phần lớn bệnh nhân đều rơi vào nhóm này (H5.7).

Hình 5.7. Bệnh nhân với mong muốn thuộc nhóm “Alfred E. Newman”. Đây là nhóm bệnh nhân dễ điều trị vì họ dễ chấp thuận với những gì bác sĩ đề nghị. (a) Trước điều trị và (b) Sau điều trị.

 

Nhóm 3. Naturalist: bệnh nhân mong muốn phục hình thật tự nhiên và hòa hợp với khuôn miệng. Những bệnh nhân thuộc nhóm này thường khó điều trị nhất vì răng thật của bệnh nhân có thể có rất nhiều bất thường như đường nứt men, diện mòn, khe thưa, xoay hay lệch lạc nhẹ, hoặc đường viền bất thường, khiến cho việc chế tác phục hình cho giống rất khó khăn và mất thời gian (H5.8 và 5.9).

 

Hình 5.8. Bệnh nhân với mong muốn phục hình thật tự nhiên. Những bệnh nhân thuộc nhóm này thường đòi hỏi cao vì họ muốn phục hình có độ thẩm mỹ tối ưu nhưng vẫn phải như thật. (a) Trước điều trị. (b) Sau điều trị.

 

 

Hình 5.9. Bệnh nhân với mong muốn phục hình thật tự nhiên. (a) Trước điều trị và (b) Sau điều trị, phục hình mặt dán veneer với nhiều đường nứt men.

 

 

Giải phẫu răng

Các thành phần tạo nên màu răng rất phức tạp, do đó bác sĩ phải đảm bảo xác định đúng màu răng trên 3 phần răng theo chiều dọc là phần cổ, phần thân và phần rìa cắn (mặt nhai) (H5.10).

Hình 5.10. Các hiệu ứng màu răng nên được quan sát và so sánh trên từng vùng răng: nướu (G), thân (B) và rìa cắn (I).

 

1 trong những bước đầu tiên trong việc so màu đó là quan sát xem răng có độ đục cao (opacity) hay độ trong cao (translucency) (H5.11 và H5.12).

Hình 5.11. Hình ảnh lâm sàng các răng cửa hàm trên đục và ít trong.

 

Hình 5.12. Hình ảnh lâm sàng các răng cửa hàm trên khá trong và ít đục.

 

Tiếp theo đó bác sĩ mới xác định độ sáng (độ Value), Chroma và Hue trên từng vùng của răng. Những trường hợp thường gặp về độ Chroma cao là màu cam sẫm rất hay gặp ở răng của những bệnh nhân lớn tuổi (H5.13).

Hình 5.13. Hình ảnh lâm sàng các răng cửa hàm trên ở người trưởng thành khá sẫm (độ Chroma cao) và khá trong, màu hổ phách (amber) (Màu hổ phách là màu vàng ánh da cam, có tên gọi từ một loại vật liệu là hổ phách). Do ở người trưởng thành, lớp men mỏng dần nên dễ dàng nhìn thấy lớp ngà sậm màu, tạo nên 1 màu amber.

 

Màu hổ phách (amber).

 

Điều kiện so màu

Nguồn sáng và môi trường

Để có kết quả tốt nhất thì việc so màu nên được thực hiện dưới ánh sáng hiệu chỉnh màu (color-corrected lighting) với nhiệt độ màu lí tưởng từ 5,500 K (D55) đến 6,500 K (D65) và chỉ số hoàn màu (color-rendering index) từ 90 hoặc hơn (H5.14).

Hình 5.14. Hình ảnh minh họa màu sắc khác nhau dưới điều kiện ánh sáng có nhiệt độ màu khác nhau: (a) 3,000 K; (b) 4,000 K; (c) 5000 K và (d) 6,500 K. Hãy quan sát và so sánh các từng ô màu riêng biệt trong 4 hình để thấy sự khác nhau.

 

Việc so màu lí tưởng nhất là dưới điều kiện ánh sáng tự nhiên. Cường độ ánh sáng mạnh làm ảnh hưởng lớn đến khả năng so màu. Độ rọi (hay độ chiếu sáng – illuminance) phù hợp có thể giúp giảm sự mỏi mắt. Độ rọi (illuminance) từ 1,000 đến 2,000 lux là lí tưởng nhất để so màu.

Hầu hết các bác sĩ đều sử dụng ánh sáng hiệu chỉnh màu từ đèn huỳnh quang trên trần nhà. Ngoài ra còn có thể sử dụng đèn từ sàn nhà, bàn hoặc đèn di động cầm tay (H5.15).

Hình 5.15. So màu sử dụng ánh sáng đèn cầm tay: (a) Rite-Lite (AdDent) không có kính lọc phân cực (polarizing ­filter); (b) Rite-Lite có kính lọc phân cực; (c) Smile Lite (Smile Line) không có kính lọc phân cực và (d) Smile Lite (Smile Line) có kính lọc phân cực. Kính lọc phân cực có khuynh hướng làm giảm độ bóng.

 

Như đã nói ở bài trước, hiện tượng metamerism là 2 vật thể có đặc tính quang phổ khác nhau, có thể có màu giống nhau trong 1 điều kiện nào đó, nhưng lại khác màu nhau dưới 1 điều kiện khác. Có khá nhiều yếu tố góp phần tạo nên hiện tượng metame, bao gồm nguồn sáng, người quan sát, khoảng cách quan sát và góc độ quan sát.

Vị trí và khoảng cách khi so màu

Khi so màu, tầm mắt bác sĩ nên ngang mức răng và cách từ 25 đến 35 cm (10 đến 14 inch). Môi trường xung quanh vị trí so màu nên có màu xám nhạt.

Khi nói đến vị trí của nguồn sáng và vị trí mắt bác sĩ khi so màu, sự kết hợp giữa góc chiếu sáng và góc nhìn so với bề mặt của răng, được gọi là quang hình học, có vai trò rất quan trọng. Có nhiều kiểu kết hợp khác nhau giữa các màu này, nhưng phù hợp nhất để đánh giá màu sắc trực quan trong nha khoa là 45 độ / 0 độ hoặc ngược lại. 45 độ / 0 độ nghĩa là, ánh sáng ở góc 45 độ (một hướng, 2 hướng hoặc xung quanh) và răng được quan sát theo hướng vuông góc (0 độ) (H5.16).

Hình 5.16. Minh họa quang – hình học 45 độ/ 0 độ: 1 hướng, 2 hướng và xung quanh.

 

Nếu bệnh nhân ngồi thẳng lưng và nguồn sáng từ trên trần nhà thì bóng từ mũi bệnh nhân có thể che phủ vùng so màu.

Các cây so màu phải được giữ tiếp xúc hoặc càng gần vị trí răng cần so màu càng tốt, sau đó chúng phải được căn chỉnh sao cho ánh sáng phản xạ khỏi cây so màu theo cách tương tự như ở răng thật. Quang hình học 45 độ/0 độ thì thường hay được áp dụng trong labô, khi đó nguồn sáng sẽ vuông góc với vùng so màu và kĩ thuật viên quan sát từ góc 45 độ.

Thời điểm và thời gian so màu

Răng bị mất nước sẽ trở nên sáng hơn và nhạt màu hơn, và chúng cần thời gian để trở lại với màu sắc như bình thường, do đó việc so màu phải được thực hiện ngay từ khi bắt đầu điều trị. Nếu được thì nên đánh bóng răng để loại bỏ mảng bám và vết dính. 1 lí do khác cần phải so màu răng ngay từ đầu là để tránh sự mỏi mắt của bác sĩ khi làm việc quá lâu.

Võng mạc sẽ có sự thích nghi nếu ta quan sát 1 đối tượng liên tục trong khoảng thời gian nhiều hơn vài giây, khiến cho các màu tương tự bắt đầu trở nên giống nhau. Hiện tượng này đòi hỏi khi so màu phải nhìn thật nhanh, chỉ trong 1 khoảng thời gian thật ngắn, sau đó cho mắt nghỉ ngơi thay vì nhìn chằm chằm liên tục. Trong khi cho mắt nghỉ ngơi thì nên nhìn vào vật thể màu xám nhạt (nhìn vào phần thân của mỗi bảng so màu). Mỗi khi so màu thì chỉ nên giới hạn thời gian nhìn trong vòng từ 5 đến 7 giây để tránh mỏi mắt và quen màu.

Phương pháp so màu

Phương pháp so màu còn phụ thuộc vào bảng so màu được sử dụng. Tuy nhiên, 1 điểm tương đồng giữa tất cả các quy trình so màu, đó là kĩ thuật “đại-vừa-tiểu”( “macro-mini-micro”).

1. Chúng ta thường bắt đầu so màu với pha “đại” (macro) bằng cách sử dụng toàn bộ bảng so màu, chọn và đặt sang 1 bên các nhóm cây so màu thích hợp để so sánh thêm, đồng thời loại bỏ các cây so màu không phù hợp, nhờ vậy giảm thiểu số lượng các cây so màu cần phải chọn tiếp.

2. Trong pha mini, những cây so màu được giữ lại từ pha macro được lựa chọn tiếp, sao cho phù hợp với màu cổ, thân và rìa cắn nhất.

3. Pha “tiểu” (micro) có liên quan đến việc tinh chỉnh và phân tích sự khác biệt về độ Value, độ Chroma và Hue giữa các răng tự nhiên với các cây so màu được chọn trong từ pha mini.

Hình 5.17. Các pha so màu macro – mini – micro:(a) Trong pha macro, sử dụng toàn bộ bảng so màu để chọn những cây so màu phù hợp nhất. (b), Pha mini và (c), Pha micro.

 

Vị trí khi đặt cây so màu có thể khác nhau phụ thuộc vào phương pháp so màu và mục đích so màu. So màu pha macro nên sử dụng toàn bộ bảng so màu, sau đó chọn ra 1 ít cây so màu tiếp tục cho pha mini và pha micro. Khi mất răng kế bên thì có thể dễ dàng đặt cây so màu vào vị trí răng mất theo đúng hướng răng trên cung hàm. Còn nếu vẫn có răng kế bên thì cây so màu có thể được đặt ở vị trí (1) là giữa răng hàm trên và răng hàm dưới (H5.18) hoặc (2) là kế bên răng cần so màu.

Hình 5.18. Vị trí đặt cây so màu giữa hàm trên và hàm dưới: (a) cổ (của cây so màu) – rìa cắn (của răng cần so màu); (b) nằm ngang; (c) rìa cắn – rìa cắn; (d) và (e), so màu cùi.

 

Nếu đặt cây so màu chồng lên vị trí răng kế bên răng cần so màu thì đi ngược lại quy tắc là, nếu 1 vật đặt trước 1 vật cùng màu thì vật thể đó sẽ trông nhạt hơn, do đó so màu sẽ không còn chính xác. Có thể có các kiểu đặt cây so màu như sau:

– Đặt đối đầu (rìa cắn – rìa cắn) (H5.18c) để so màu rìa cắn, nhưng không thể so được màu cổ răng và thân răng.

– Cổ – rìa cắn (H5.18a): ít khi thực hiện.

– Đặt nằm ngang so với răng thật (H5.18b): thường để so màu phần thân răng.

Nếu như sử dụng phương pháp so màu cũ, nghĩa là đặt cây so màu ngay bên cạnh răng cần so thì có thể thực hiện bằng cách nghiêng cây so màu sao cho tạo 1 góc khoảng 120 độ so với mặt răng cần so màu, sau đó quan sát từ vị trí phân giác của góc này (H5.19 và 5.20).

Hình 5.19. Sơ đồ minh họa vị trí đặt cây so màu bên cạnh răng cần so: 1: răng thật; 2: cây so màu; 3: nguồn sáng và 4: hướng quan sát.

 

Hình 5.20. Cách so màu khi đặt cây so màu ngay bên cạnh răng cần so. Nghiêng cây so màu 1 góc 120 độ, và quan sát từ hướng phân giác của góc này. Không thực hiện so màu với răng khô. Răng mất nước sẽ nhạt và sáng hơn bình thường.

 

Mài chỉnh để thay đổi cây so màu

Thay đổi cây so màu bằng cách loại bỏ phần cổ của nó, tương tự như phương pháp được đề xuất bởi McLaren (H5.21). Phần bờ vai được tạo ra ở một phần ba cổ của cây so màu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt các cây so màu trên cùng mặt phẳng với răng thật (H5.21c).

Hình 5.21. Mài bỏ phần cổ của cây so màu, bờ vai tạo ra giúp dễ dàng đặt cây so màu trên cùng mặt phẳng với răng thật.

 

1 cách mài chỉnh khác đó là mài bỏ cả phần cổ và phần rìa cắn của cây so màu, chỉ để lại 1/3 giữa, tạo nên cây so màu có dạng vuông như hình 5.22.

Hình 5.22.

 

Không có phương pháp so màu nào có thể tránh hoàn toàn khỏi sự phức tạp của quá trình tâm vật lý học (psychophysical) khi so màu. Con người không thể nhìn được màu sắc (Hue), Value và Chroma riêng biệt nhưng có thể thấy được sự khác biệt trong những thông số đó, với nhiều tỷ lệ khác nhau.

Độ Chroma tăng có thể dễ bị nhầm lẫn với độ giảm Value. Chẳng hạn như, cây A1 trong bảng so màu VITA Classical có độ Value cao hơn B1, nhưng do Chroma của cây A1 thấp hơn nên đôi khi ta dễ bị nhầm lẫn A1 là cây sáng nhất trong bảng (H5.23).

Hình 5.23. Khi Chroma quá thấp thì rất khó để đánh giá Hue và Value khác nhau. Như trong hình thì khá khó nhận biết cây B1 (trái) và A1 (phải).

 

Ngoài ra, cần thận trọng khi điều trị cho những răng vừa tẩy trắng, do chúng có độ Value cao và Chroma thấp. Một hàm răng quá trắng đôi khi rất khó xác định màu vì nó không phù hợp với hầu hết các cây so màu truyền thống và các cây so màu tẩy trắng thì bị hạn chế về số lượng cũng như phạm vi của chúng.

Giao tiếp giữa bác sĩ và kĩ thuật viên

Theo phương pháp so màu truyền thống, kĩ thuật viên lấy thông tin cơ bản về Value và Chroma từ cây so màu mà bác sĩ đã yêu cầu, từ đó lựa chọn hệ thống sứ và bột sứ phù hợp (H5.24).

Hình 5.24. Việc chuyển đổi thông tin từ cây so màu sang các màu hiệu ứng của bột sứ rất quan trọng.

 

Do đó, giao tiếp hiệu quả giữa kỹ thuật viên và bác sĩ lâm sàng là yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất. Màu sắc là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất giữa bác sĩ và kỹ thuật viên. Mỗi hệ thống sứ đều có hệ màu và danh pháp riêng. Một số phòng labo và kỹ thuật viên có thể e ngại việc chuyển đổi vật liệu vì thiếu tự tin không chỉ ở vật liệu mà còn ở khả năng so màu khi sử dụng “ngôn ngữ màu” (color language) của một hệ thống sứ khác. Do đó bác sĩ tốt nhất nên hợp tác với 1 labo có kỹ năng về kết hợp màu bằng nhiều loại vật liệu khác nhau.

Hình ảnh cũng là 1 phương tiện giao tiếp hữu ích giữa bác sĩ và kĩ thuật viên, đồng thời làm tăng thêm độ tin cậy trong việc lựa chọn cây so màu. Bác sĩ nên chụp thêm hình răng cần so màu với 2 cây so màu gần với cây so màu đã chọn (một sáng hơn và một tối hơn); nhờ vậy kỹ thuật viên có thể cảm nhận cụ thể về sự thay đổi Value.

 

Cuối cùng, nên chụp ảnh khuôn mặt và nụ cười của bệnh nhân để cho phép kỹ thuật viên hình dung cách phục hình sẽ phù hợp với diện mạo tổng thể của bệnh nhân.

Khi chụp hình gửi cho kĩ thuật viên, cần lưu ý rằng với ánh đèn flash khác nhau của camera sẽ làm ảnh hưởng đến màu răng và màu của cây so màu do có sự thay đổi nhiệt độ màu (H5.26).

Hình 5.26. (a) Ảnh chụp khi so màu răng dưới flash trung tính (nhiệt độ màu là 5,500 K). (b) Cùng răng và các cây so màu đó nhưng sử dụng đèn flash với nhiệt độ màu là 6,500 K. Chú ý sự khác nhau về màu sắc giữa 2 hình ảnh, việc này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phân tích màu của kĩ thuật viên.

 

Do đó, việc lựa chọn nhiệt độ màu chính xác cho đèn flash (5,500 K) là cực kỳ quan trọng khi chụp hình so màu.

Những lưu ý khi so màu răng

– Cho bệnh nhân lau chùi hết son môi hoặc màu trang điểm đậm có thể ảnh hưởng đến việc so màu. Nếu bệnh nhân đang mặc quần áo sáng màu thì cần phải che phủ hết bằng tấm trải hoặc khăn có màu trung tính.

– Đánh giá cùi răng, ghi nhận là cùi răng tự nhiên hay cùi răng đã chữa tủy, cùi răng có tái tạo bằng kim loại, vì điều này có ảnh hưởng đến thiết kế và vật liệu làm răng sứ.

– Xác định độ trong hay đục của răng tự nhiên của bệnh nhân, ghi nhận cả độ nhám bề mặt, độ bóng và các đặc điểm đặc biệt của răng.

– So màu ngay từ khi bắt đầu điều trị để tránh mắt bị mỏi. Đặc biệt chú ý phải so màu răng khi răng chưa bị mất nước, răng sẽ bị khô và mất nước trong suốt quá trình điều trị. Tầm mắt ngang hàng với răng của bệnh nhân, cách từ 25 – 35 cm. Không so màu với khoảng cách quá xa. Cần lưu ý mỗi lần so màu không nên quan sát quá 5 – 7 giây, nên nhìn vào phần thân màu xám của bảng so màu mỗi khi mắt nghỉ ngơi.

– Đặt cây so màu thẳng hàng với răng cần so, sao cho ánh sáng phản xạ lại tương tự nhau. Sử dụng kĩ thuật so màu macro-mini-micro như đã mô tả ở trên để xác định cây so màu phù hợp. Xác định Value (độ sáng tối) trước, tiếp theo là Chroma (độ đậm nhạt) và cuối cùng là Hue (màu).

– Khi kiểm tra lại lần cuối cùng thì cần so màu dưới nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, thay đổi góc độ quan sát, có thể tham khảo thêm đánh giá từ bác sĩ khác.

– Sau khi đã chọn được cây so màu phù hợp, khi chụp hình cần chụp thêm 1 cây sáng hơn và 1 cây tối hơn giúp kĩ thuật viên đánh giá sự thay đổi màu tốt hơn. Ngoài ra cũng nên chụp thêm hình nụ cười toàn miệng của bệnh nhân.

– Không nên chủ quan cho rằng mình giỏi so màu chỉ vì bạn phân biệt được nhiều màu.

– Không hề có bằng chứng cho thấy nữ so màu tốt hơn nam.

– So màu dưới ánh sáng hiệu chỉnh màu cho kết quả tốt hơn khi so dưới ánh sáng tự nhiên.

Không so sánh màu giữa các phần khác nhau với nhau, ví dụ so cổ răng với rìa cắn.

– Không đặt phần rìa cắn của cây so màu hướng về phía thanh giữ kim loại, phải hướng về phía đối diện hoặc vuông góc.

 

 

– Giữa những lần mắt nghỉ ngơi, không được nhìn vào những bề mặt có màu xanh dương, tốt nhất nên là màu xám.

– Không thực hiện quy trình so màu bằng cách cầm từng cây so màu lên và đối chiếu từng thông số màu một (Hue, Value và Chroma của từng cây). Như ta đã biết, mắt người không thể cảm nhận được các thông số màu sắc một cách riêng biệt, vậy nên việc so sánh, chẳng hạn như, so sánh màu sắc của răng với tất cả 16 cây so màu của bảng VITA Classical là sai lầm và lãng phí thời gian. Nếu răng không quá đậm màu (Chroma thấp) thì chúng ta có thể không cần xem xét các cây so màu số 3 và 4 của mỗi nhóm trong bốn nhóm (A3, A4, B3, B4…); nếu răng đậm màu thì ngược lại, chúng ta có thể chỉ cần xem xét các cây so màu số 3 và 4 này. Sự phù hợp của bất kỳ thông số màu nào trong khi không phù hợp với hai thông số còn lại cũng không đóng góp nhiều vào sự phù hợp màu tổng thể giữa răng và phục hình.

– Đừng nheo mắt xuống để loại trừ màu sắc mà chỉ so sánh độ Value (độ sáng tối). Thực tế không thể loại trừ màu sắc bằng phương pháp này. Nếu thực sự chỉ muốn so sánh độ Value thì chỉ cần chuyển đổi ảnh chụp khi so màu sang thang màu xám (grayscale) (chỉnh ảnh về độ bão hòa (saturation) bằng 0).

 

Ca lâm sàng

Hình 5.28. (a và b), Ảnh chụp 2 mão răng cửa giữa hàm trên của bệnh nhân trước khi điều trị thay thế.

 

 

(c và d), Những yếu tố xung quanh gây ảnh hưởng đến việc so màu đều đã bị loại bỏ trên hình ảnh.

 

(e), Ảnh chụp những thông tin cần thiết giữa bác sĩ và kĩ thuật viên.

 

(f), Mẫu hàm trước điều trị. (g), Mẫu hàm sau khi làm wax-up, chỉnh sửa lại cho đúng hình dạng và tỉ lệ của 2 răng cửa giữa.

 

(h), Dấu silicon putty được thực hiện để kiểm soát độ dày mặt ngoài. (i), Sau khi cắt bỏ mão răng cũ thì thấy 2 răng cửa giữa đều đã điều trị tủy và tái tạo cùi với amalgam, răng cửa bên (P) bị đổi màu nặng hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến phục hình nếu phục hình toàn sứ được lựa chọn.

 

 

(j và k), So màu răng và cùi răng trước khi thực hiện phục hình tạm. Xác định độ trong của răng. Lưu ý cần so sánh dưới nhiều góc độ khác nhau và so sánh với nhiều răng khác nhau. Sử dụng nhiều bảng so màu khác nhau cũng góp phần cho kết quả chính xác và toàn diện hơn.

 

 

(l), Dấu sau cùng sau khi đã được cưa đai.

 

(m và n), Thực hiện cắt sườn bằng zirconia, khóa silicone được dùng để kiểm tra độ dày sườn mặt ngoài và khoảng cách có đủ để đắp sứ

 

 

(o đến q), Đắp lớp ngà, tạo độ huỳnh quang (fluoroescence) cho phục hình.

 

 

(r đến v), Đắp sứ men và sứ hiệu ứng.

 

(w), Thử răng, có thể thực hiện lại quy trình so màu nếu cần.

 

(x), Bột vàng (Au) được sử dụng để mô phỏng lại cấu trúc bề mặt đại thể và vi thể của phục hình sau cùng. (y đến bb), Hoàn thiện phục hình sau cùng.

 

 

(cc), Gắn phục hình bằng cement Glass ionomer có gia cố nhựa (resin-reinforced glass-ionomer cement).

 

 

(dd đến ff), Ảnh chụp trong miệng sau khi lành thương mô mềm.

 

 

(gg đến ii), Ảnh chụp ngoài mặt cho thấy phục hình có độ thẩm mỹ hài hòa.

 

Nguồn: Color in Dentistry A Clinical Guide to Predictable Esthetics – Stephen J. Chu, Rade D. Paravina, Irena Sailer, Adam J. Mieleszko.