Viêm xương ổ răng (AO) là biến chứng thường gặp nhất sau khi nhổ khôn. Viêm xương ổ răng thường được gọi là “ổ răng khô”, ngoài ra còn được gọi là viêm ổ răng, viêm xương tại chỗ, viêm ổ răng tiêu sợi huyết, ổ răng nhiễm trùng, ổ răng hoại tử…
Các triệu chứng thường phát triển từ 4 đến 5 ngày sau phẫu thuật. Viêm xương ổ răng có tính chất tự giới hạn và sẽ tự khỏi dù không được điều trị. Điều trị có tính chất giảm nhẹ triệu chứng.
Viêm xương ổ răng được đặc trưng bởi cơn đau dữ dội lan đến tai hoặc vùng thái dương, ổ răng trống rỗng và có mùi/vị hôi. Tình trạng này rất nghiêm trọng vì gây đau đớn tột độ và thường phải đến khám nhiều lần để điều trị.
Nguyên nhân chính xác của viêm xương ổ răng vẫn chưa được biết rõ và nhiều khái niệm về tình trạng này còn gây tranh cãi.
Nguyên nhân có thể gây ra viêm xương ổ răng
1. Chấn thương phẫu thuật và độ khó của phẫu thuật
Hầu hết các tác giả đều đồng ý rằng chấn thương do phẫu thuật và khó khăn trong phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của viêm xương ổ răng (AO). Nhổ răng phẫu thuật so với nhổ răng không phẫu thuật, dẫn đến tỷ lệ mắc AO tăng gấp 10 lần. Phẫu thuật nhổ răng liên quan đến lật vạt và cắt xương có nhiều khả năng gây ra AO hơn.
2. Bác sĩ thiếu kinh nghiệm
Các báo cáo cho thấy tỷ lệ viêm xương ổ răng cao hơn sau nhổ răng khi được thực hiện bởi những bác sĩ ít kinh nghiệm hơn.
3. Răng khôn hàm dưới
Viêm xương ổ răng phổ biến hơn sau khi nhổ răng khôn hàm dưới. Một số tác giả tin rằng mật độ xương tăng, lượng mạch máu giảm và khả năng tạo mô hạt giảm là nguyên nhân gây ra tính đặc hiệu về vị trí. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa AO và việc cung cấp máu không đủ.
4. Bệnh hệ thống
Bệnh hệ thống có thể liên quan đến viêm xương ổ răng. Một bài báo đề xuất những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường dễ bị viêm xương ổ răng do khả năng lành thương kém.
5. Thuốc tránh thai đường uống
Thuốc tránh thai đường uống là loại thuốc duy nhất liên quan đến việc phát triển AO. Sweet và Butler nhận thấy rằng sự gia tăng sử dụng thuốc tránh thai đường uống có tương quan tỷ lệ thuận với AO. Estrogen đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu sợi huyết, gián tiếp kích hoạt hệ thống tiêu sợi huyết (tăng các yếu tố II, VII, VIII, X và plasminogen) và do đó làm tăng quá trình phân giải cục máu đông.
Catellani và cộng sự kết luận thêm rằng khả năng phát triển AO tăng lên khi tăng liều estrogen trong thuốc tránh thai. Để giảm nguy cơ mắc bệnh AO, nên cân nhắc chu kỳ nội tiết tố khi lên lịch nhổ răng.
6. Giới tính
Nữ giới, bất kể sử dụng thuốc tránh thai đường uống hay không, đều có khuynh hướng phát triển AO cao hơn nam giới.
7. Hút thuốc
Đã có báo cáo về mối quan hệ phụ thuộc giữa hút thuốc và sự xuất hiện của bệnh viêm xương ổ răng. Những bệnh nhân hút nửa bao thuốc lá mỗi ngày có mức AO tăng gấp 4 đến 5 lần (12% so với 2,6%) khi so sánh với những người không hút thuốc.
Tỷ lệ mắc AO tăng lên hơn 20% ở những bệnh nhân hút một gói mỗi ngày và 40% ở những bệnh nhân hút thuốc vào ngày phẫu thuật.
8. Sự bong tróc của cục máu đông
Mặc dù lý thuyết này được thảo luận rất phổ biến nhưng không có bằng chứng nào xác minh rằng sự bong tróc vật lý của cục máu đông do thao tác hoặc áp lực âm tạo ra khi hút bằng ống hút là tác nhân gây ra AO.
9. Nhiễm trùng
Tần suất AO tăng lên ở những bệnh nhân có vệ sinh răng miệng kém, nhiễm trùng tại chỗ từ trước như viêm quanh thân răng và bệnh nha chu tiến triển.
10. Bơm rửa quá nhiều hoặc nạo ổ răng quá mức
Việc bơm rửa ổ răng nhiều lần quá mức có thể cản trở sự hình thành cục máu đông và việc nạo mạnh có thể làm tổn thương xương ổ răng. Tuy nhiên, tài liệu thiếu bằng chứng để xác nhận những cáo buộc này trong quá trình phát triển AO.
11. Tuổi
Các tài liệu cho biết bệnh nhân càng lớn tuổi thì nguy cơ càng cao.
Blondeau và cộng sự kết luận rằng phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới lệch ngầm nên được thực hiện trước 25 tuổi, đặc biệt đối với bệnh nhân nữ vì bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cao hơn.
12. Nhổ răng một lần so với nhổ răng nhiều lần
Tỷ lệ mắc viêm xương ổ răng cao hơn sau khi nhổ răng trong một lần so với nhổ răng nhiều lần. Trong một nghiên cứu, tỷ lệ viêm xương ổ răng là 7,3% sau khi nhổ một lần và 3,4% sau khi nhổ nhiều lần.
13. Gây tê tại chỗ bằng thuốc co mạch
Có ý kiến cho rằng việc sử dụng gây tê tại chỗ bằng thuốc co mạch làm tăng tỷ lệ mắc viêm xương ổ răng.
14. Nước bọt
Một số tác giả cho rằng nước bọt là yếu tố nguy cơ phát triển AO. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học vững chắc nào chứng minh điều này.
15. Mảnh xương/chân răng còn sót
Mảnh xương/chân răng còn sót có thể dẫn đến khó lành thương và góp phần phát triển viêm xương ổ răng.
Simpson, trong nghiên cứu của ông, đã chỉ ra rằng các mảnh xương/chân răng sót nhỏ thường xuất hiện sau khi nhổ răng và những mảnh xương này không nhất thiết gây ra các biến chứng vì chúng thường được biểu mô miệng đưa ra ngoài.
16. Thiết kế vạt/Sử dụng chỉ khâu
Một số tài liệu trước đây cho rằng thiết kế vạt và việc sử dụng chỉ khâu ảnh hưởng đến sự phát triển của AO. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh.
Phòng ngừa
Việc sử dụng chlorhexidine 0,12% và 0,2% trước phẫu thuật và trong vòng một tuần sau khi phẫu thuật giúp ngăn ngừa tình trạng khô ổ răng sau nhổ răng (hình 3.7).
Phân tích chỉ ra rằng súc miệng chlorhexidine gluconate 0,12% trước phẫu thuật và 7 ngày sau phẫu thuật làm giảm tần suất viêm xương ổ răng sau phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới.
Renton và cộng sự kết luận rằng kháng sinh dự phòng làm giảm nguy cơ viêm xương ổ răng sau khi nhổ răng khôn hàm dưới.
Những bệnh nhân có nguy cơ mắc viêm xương ổ răng như người hút thuốc và phụ nữ đang dùng biện pháp tránh thai có thể được hưởng lợi từ kháng sinh dự phòng. Trong số nhiều loại kháng sinh được nghiên cứu, tetracycline dùng tại chỗ đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Phương pháp sử dụng tại chỗ bao gồm bột, hỗn dịch nước, gạc thấm và sponge Gelfoam (ưu tiên). Tuy nhiên, các tác dụng phụ bao gồm phản ứng dị ứng đã được báo cáo khi bôi tetracycline tại chỗ. Cũng có bằng chứng cho thấy các chất chống tiêu sợi huyết bôi lên ổ răng sau khi nhổ có thể làm giảm nguy cơ ổ răng bị khô.
Điều trị
Điều trị viêm xương ổ răng tập trung vào thuốc giảm đau vì tình trạng này có khả năng tự khỏi. Thuốc giảm đau toàn thân có thể được sử dụng nhưng hiếm khi đủ hiệu quả nếu không băng thuốc tại chỗ.
Cách điều trị phổ biến nhất bao gồm bơm rửa ổ răng bằng chlorhexidine và đặt băng thuốc vào ổ răng. Có thể sử dụng dải gạc iodoform phủ một lớp paste chống khô ổ răng (hình 3.8).
Có thể dán miếng dán ổ răng khô có chứa gualacol, nhựa thơm peru, eugenol và chlorobutanol 1,6% (Sultan Healthcare, York, PA) bằng gạc iodoform.
Một loại thuốc phổ biến khác được sử dụng để điều trị AO là Alvogyl có chứa butamben (thuốc gây mê), eugenol (thuốc giảm đau) và iodoform (kháng khuẩn). Tất cả các loại thuốc băng tại chỗ đều chứa lượng thành phần tương tự được thiết kế để kiểm soát cơn đau và sự phát triển của vi khuẩn.
Phác đồ điển hình được sử dụng trong viêm ổ răng là:
- Loại bỏ các mảnh vụn khỏi ổ răng và bơm rửa ổ răng bằng chlorhexidine.
- Băng thuốc đầy ổ răng bằng paste chống khô ổ răng/eugenol với gạc iodoform.
- Nên thay gạc và/hoặc băng sau 48 giờ.
Kết luận
Viêm xương ổ răng là biến chứng phổ biến nhất sau khi nhổ răng khôn lệch ngầm. Nguyên nhân của viêm xương ổ răng chưa được biết rõ, nhưng nhiều yếu tố góp phần đã được đề xuất, trong đó các yếu tố chính bao gồm hút thuốc, kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật, nhổ răng khó, giới tính nữ, thuốc tránh thai, nhiễm khuẩn và tuổi tác.
Súc miệng sạch trước và sau phẫu thuật bằng chlorhexidene đã được chứng minh là làm giảm AO xuống 50%. Điều trị viêm xương ổ răng tập trung vào việc kiểm soát cơn đau. Việc bơm rửa và băng ổ răng thường sẽ loại bỏ cơn đau trong vòng vài phút.
Xem lại phần 1 tại đây.
Xem tiếp phần 3 tại đây.
Nguồn: Impacted Third Molar – John Wayland.
Bài viết liên quan
Kỹ thuật nhổ răng tiểu phẫu – P1 🔒
Biến chứng sau phẫu thuật nhổ răng khôn – P4 🔒
Biến chứng sau phẫu thuật nhổ răng khôn – P3 – Nhiễm trùng 🔒