April 27, 2025

NhasiUpdate

Chuyên trang RHM

Sử dụng hệ thống khí cụ Myobrace trong điều trị chỉnh nha sớm – P1 🆓

Hệ thống khí cụ Myobrace (The Myobrace® System) – Dòng khí cụ tiên tiến nhất thế giới dành cho chỉnh nha cơ chức năng!

 

Hệ thống khí cụ Myobrace được phát triển bởi Công ty Myofunctional Research Co. (MRC), thuộc loại hệ thống chỉnh nha cơ chức năng, là sự phối hợp giữa điều chỉnh thói quen, nới rộng hàm và sắp đều răng, được tích hợp trong cùng một hệ thống.

 

Với hơn 30 năm nghiên cứu, các khí cụ Myobrace của MRC đã được sử dụng phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới nhờ công nghệ thiết kế độc đáo và kết quả khả quan. Khi được sử dụng như một phần của hệ thống điều trị, các khí cụ Myobrace linh hoạt này giúp ngăn chặn sai khớp cắn trước khi sai khớp cắn thực sự hình thành hoặc đưa ra một cách tiếp cận tốt hơn cho điều trị chỉnh nha bằng cách điều trị các nguyên nhân cơ bản về hô hấp và cơ chức năng, chứ không chỉ là điều trị các triệu chứng.

 

Hệ thống khí cụ Myobrace của MRC là giải pháp điều trị chỉnh nha cơ chức năng hàng đầu thế giới, khác với tất cả các kỹ thuật chỉnh nha khác ở chỗ: trước tiên điều trị thở bằng miệng và thói quen răng miệng bất thường, sau đó giúp phát triển hình dạng cung răng và cuối cùng là căn chỉnh răng thẳng hàng về vị trí tự nhiên. Những tác động này tạo ra trạng thái cân bằng với cơ miệng và tối ưu hóa sự ổn định mà không cần đến mắc cài.

 

Nguyên nhân gây ra các vấn đề chỉnh nha?

Sai khớp cắn hiện nay là một trong những vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến nhất ảnh hưởng đến phần lớn người dân ở các nước phát triển. Nhiều người giải thích tỷ lệ phổ biến này bằng cách cho rằng sai khớp cắn chủ yếu là do di truyền và không thể tránh khỏi, nhưng điều này không hoàn toàn đúng.

Phần lớn trẻ em có răng chen chúc, điều này biểu hiện rõ ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi và thường là do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bên cạnh quy về nguyên nhân là do gen di truyền gây răng chen chúc và hàm kém phát triển, khoa học hiện đại nghiên cứu và có kết quả chứng minh được những nguyên nhân khác.

Kể từ khi ngành chỉnh nha ra đời, thở bằng miệng được biết đến như một nguyên nhân chính gây ra sai khớp cắn. Cách thở lý tưởng là qua mũi, khi đó miệng ngậm lại, răng gần chạm nhau, lưỡi ép lên vòm miệng. Khi các cơ môi, má và lưỡi hoạt động bình thường, hàm có thể phát triển và răng thẳng hàng theo đúng quy luật.

Khi thở bằng miệng, mỗi bệnh nhân có một sự thích nghi riêng nhưng nhìn chung là môi sẽ hé ra, lưỡi thè xuống và xuất hiện kiểu nuốt không chính xác. Điều này làm cho áp lực lên răng và hàm thay đổi, tạo ra nhiều loại sai khớp cắn.

Những thói quen cơ kém này được gọi chung là rối loạn cơ chức năng. Thở bằng miệng cũng có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc sâu răng và bệnh nha chu. Nhiều cơ quan nha khoa như Liên đoàn Nha khoa Thế giới (FDI), Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ (AAO) và Hiệp hội Chỉnh nha Úc (ASO) hiện đã công nhận tác động của rối loạn hô hấp trong nha khoa và y khoa.

 

Thở mũi và thở bằng miệng.
(a) Thở mũi đúng tư thế môi và lưỡi. (b) Thở bằng miệng khiến lưỡi đặt sai vị trí và nuốt không đúng.

 

 

Vị trí lưỡi không đúng sẽ hạn chế sự phát triển của xương hàm trên và nuốt ngược hạn chế sự phát triển của xương hàm dưới gây chen chúc răng.
(a) Vị trí lưỡi không đúng sẽ hạn chế sự phát triển của xương hàm trên, gây chen chúc. (b) Nuốt ngược hạn chế sự phát triển của xương hàm dưới gây chen chúc.

 

Tóm lại, thở miệng, vị trí lưỡi đặt sai, nuốt sai và mút ngón tay – được biết đến là những thói quen sai cơ chức năng – là nguyên nhân thực sự dẫn đến sai cắn khớp và sọ mặt kém phát triển.

 

Rối loạn chức năng mô mềm (các thói quen bao gồm thở miệng, vị trí và chức năng lưỡi không chính xác cũng như vận động nuốt không chính xác) sẽ làm hạn chế sự phát triển về phía trước của hàm và mặt, khiến răng không đủ chỗ mọc.

Việc sửa chữa những thói quen xấu này sẽ cải thiện sức khỏe nói chung và cho phép trẻ phát triển bình thường cũng như phát huy hết tiềm năng di truyền.

Chỉnh nha là chuyên khoa nha khoa tập trung vào việc ngăn ngừa và điều trị các bất thường về hình thái và chức năng của hệ thống miệng nhằm thiết lập đầy đủ chức năng của bộ máy nhai, khớp cắn tốt và diện mạo khuôn mặt dễ chịu.

Người ta đã chứng minh rằng việc điều trị sớm các sai hình chỉnh nha trong giai đoạn trẻ nhỏ là cực kỳ quan trọng. Mục đích của điều trị chỉnh nha sớm là loại bỏ hoặc điều chỉnh sự phát triển lệch lạc của xương và kích thích sự phát triển đầy đủ của xương-răng.

Như đã biết, việc điều trị sai khớp cắn nên bắt đầu ở hệ răng sữa hoặc răng hỗn hợp sớm, vì tình trạng răng sữa có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của răng vĩnh viễn.

 

Tính chất phòng ngừa của chỉnh nha tập trung chủ yếu vào nhóm dân số trẻ vẫn chưa được áp dụng đầy đủ trên thế giới cũng như ở nhiều nước.

Từ khi sinh ra, cho đến khi hình thành bộ răng sữa, răng hỗn hợp và răng vĩnh viễn, bằng cách quan sát khuynh hướng di truyền, nhấn mạnh vào thực hiện đầy đủ các chức năng vùng hàm mặt và điều chỉnh kịp thời những bất thường nhẹ về hình thái và/hoặc sự phát triển thì ta có thể định hướng và điều chỉnh được sự phát triển của xương vùng mặt.

Nói cách khác, hầu hết các bất thường nghiêm trọng về xương đòi hỏi phẫu thuật chỉnh nha phức tạp và tốn kém ở tuổi vị thành niên đều có thể được ngăn ngừa ở giai đoạn sớm.

 

Mục đích của điều trị chỉnh nha sớm là để loại bỏ hoặc điều chỉnh sự phát triển lệch lạc của xương, loại trừ một số thói quen xấu (thở miệng, đẩy lưỡi, v.v.) và kích thích sự phát triển đầy đủ của răng và xương.

Điều trị chỉnh nha sớm là tuân theo nguyên tắc chung “phòng ngừa dễ hơn điều trị”, tức là loại bỏ nguyên nhân thay vì hậu quả.

 

Khí cụ chỉnh nha chức năng được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị chỉnh nha sớm. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của việc điều trị bằng khí cụ chức năng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và cha mẹ bệnh nhân chưa cao.

Khí cụ chức năng thường gây khó chịu và khiến cho trẻ dễ bỏ cuộc. Mặt khác, cha mẹ cũng không kiên trì trong việc động viên con mình điều trị. Kết quả là những bất thường vẫn tồn tại cho đến khi trẻ lớn lên dẫn đến sự phát triển không đầy đủ của hệ thống vùng mặt.

 

Hạn chế của phương pháp điều trị thông thường

Hầu hết các bác sĩ nha khoa thường bỏ qua tình trạng sai khớp cắn cho đến khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối của hệ răng hỗn hợp, sau đó can thiệp bằng niềng răng mắc cài hoặc khay trong suốt, vốn có một số hạn chế nhất định.

Gần như tất cả các trường hợp chỉnh nha đều bị tiêu chân răng và tái phát bất kể hình thức duy trì là gì, trong khi các nghiên cứu về hàm duy trì chỉnh nha còn rất ít.

Quan trọng nhất là việc không điều trị các rối loạn hô hấp và cơ chức năng sẽ dần dần làm phức tạp thêm các vấn đề chỉnh nha và làm xấu đi các vấn đề sức khỏe liên quan đến rối loạn hô hấp.

 

Chỉnh nha mắc cài đòi hỏi phải duy trì suốt đời vì rănng luôn có xu hướng tái phát.
Chỉnh nha mắc cài đòi hỏi phải duy trì suốt đời vì răng luôn có xu hướng tái phát.

 

 

Tiêu chân răng xảy ra gần như trên tất cả các trường hợp điều trị mắc cài.
Tiêu chân răng xảy ra gần như trên tất cả các trường hợp điều trị mắc cài.

 

 

Chỉnh nha cơ chức năng giải quyết các thói quen cơ bản về hô hấp và cơ chức năng là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là phát triển cung răng, sắp đều răng và sau đó là duy trì. Điều này giúp đơn giản hóa việc điều trị, tối ưu hóa sự phát triển của bệnh nhân và thúc đẩy sự ổn định. Bên cạnh đó, huấn luyện thở bằng mũi cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Điều trị chỉnh nha chỉ dựa vào di chuyển răng, làm thẳng răng thì giống như điều trị một phần của vấn đề và vẫn có nguy cơ tái phát.

Kế hoạch điều chỉnh sai khớp cắn phải bao gồm các khí cụ để loại bỏ rối loạn chức năng mô mềm tác động lên các cơ của má, môi và lưỡi cùng lúc với chỉnh răng và hàm.

Hơn nữa, chỉnh nha hai giai đoạn điều trị, trong đó một khí cụ chức năng được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng và sau đó các mắc cài được sử dụng để nắn chỉnh răng, đã được báo cáo là cải thiện tình trạng tái phát thường xuyên xảy ra sau điều trị chỉnh nha bằng mắc cài.

 

Hệ thống khí cụ Myobrace

Hệ thống khí cụ Myobrace của công ty Myofunctional Research Co. (MRC) đáp ứng nhu cầu chỉnh nha dựa trên nền tảng cơ học và sinh học, điều trị tiền chỉnh nha cơ chức năng bằng cách giải quyết nguyên nhân sai khớp cắn và rối loạn đường hô hấp trên.

Chỉnh nha cơ chức năng với khí cụ Myobrace giúp chỉnh sửa lại cho đúng các thói quen và đường thở, nới rộng hàm và sắp đều răng trong cùng một hệ thống điều trị toàn diện cho trẻ từ 3-15 tuổi, bằng cách tập trung vào các yếu tố nguyên nhân gây sai cắn khớp.

Mục đích của khí cụ là chỉnh đúng các thói quen cơ chức năng bị sai làm ảnh hưởng đến răng, hàm và sự phát triển khuôn mặt, cung cấp cho bệnh nhân nhiều hơn các giải pháp chỉnh nha tự nhiên.

Ưu điểm của khí cụ Myobrace so với các khí cụ chức năng khác bao gồm: không cần lấy dấu, đặc biệt thuận tiện cho trẻ không hợp tác; khí cụ không quá phức tạp nên không gây khó khăn cho trẻ vì trẻ ở độ tuổi này không có tính kiên nhẫn; vật liệu dẻo khiến cho khí cụ rất thoải mái và an toàn không bị vỡ, đây là nhược điểm lớn nhất của các khí cụ chức năng khác.

 

Khí cụ Myobrace làm việc như thế nào?

Từ năm 1989 MRC đã đi tiên phong về chế tạo và sử dụng khí cụ đơn size (chỉ có một cỡ) để chỉnh sửa những thói quen cơ chức năng trong giai đoạn phát triển của trẻ, và đã chứng minh thành công trong chỉnh nha mà không cần đến mắc cài.

Nguyên lý điều trị của phương pháp này là giúp thở lại bằng mũi, đặt lưỡi đúng vị trí ở tư thế nghỉ, huấn luyện các cơ vòng miệng thực hiện đúng chức năng vốn có.

Cùng với việc chỉnh các thói quen, khí cụ Myobrace còn sử dụng một lực nhẹ để giúp chỉnh răng thẳng theo đúng vị trí, mà không phải sử dụng mắc cài hay nhổ răng.

Đeo khí cụ Myobrace từ 1-2 tiếng vào ban ngày và suốt đêm khi ngủ. Điều trị có thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.

 

Mục tiêu điều trị:

  • Môi luôn chạm vào nhau trừ khi nói chuyện hoặc ăn uống.
  • Thở bằng mũi để hỗ trợ sự phát triển của hàm trên, hàm dưới và khớp cắn đúng.
  • Không hoạt động môi khi nuốt, giúp các răng cửa phát triển bình thường.
  • Sắp thẳng răng.
  • Cải thiện sự phát triển của khuôn mặt.

 

MRC có một loạt các hàm Myobrace khác nhau dành cho hệ răng sữa, răng hỗn hợp và răng vĩnh viễn, được chia theo từng nhóm tuổi khác nhau, bao gồm:

– Nhóm J (Junior) cho hệ răng sữa (3 – 6 tuổi).

– Nhóm K (Kid) cho hệ răng hỗn hợp (6 – 10 tuổi).

– Nhóm T (Teen) cho hệ răng vĩnh viễn sớm (10 – 15 tuổi).

– Nhóm i (Interceptive Class III) cho ca hạng III sớm ( 5 – 12 tuổi).

– Nhóm P (Permanent Dentition Class III) cho ca hạng III muộn, trên 12 tuổi.

– Nhóm A (Adult) cho người lớn, trên 15 tuổi.

– Nhóm K lớn (Kids – Broad), tương tự nhóm K nhưng kích cỡ lớn hơn, cho hệ răng hỗn hợp 6 – 12 tuổi.

– Nhóm B (Brace), cho mắc cài, ở hệ răng hỗn hợp và răng vĩnh viễn ( trên 8 tuổi).

 

Tất cả khí cụ Myobrace được thiết kế để điều chỉnh thói quen, phát triển xương hàm trên, hàm dưới và sắp đều răng. Mỗi giai đoạn tập trung vào một mục tiêu điều trị cụ thể. Việc đeo đầy đủ cả bộ khí cụ là rất quan trọng để đạt được kết quả tối ưu.

 

Sê-ri bài viết sau đây sẽ lần lượt giới thiệu từng loại khí cụ Myobrace để giúp các bác sĩ có cái nhìn chung cũng như nắm bắt được cách chỉ định sử dụng từng loại hàm phù hợp.

 

1. Khí cụ Myobrace nhóm J (for Junior) dành cho hệ răng sữa ( 3 – 6 tuổi)

Myobrace® Junior là hệ thống khí cụ ba giai đoạn (J1, J2 và J3) được sử dụng ở hệ răng sữa, nhằm điều trị các vấn đề về hô hấp và cơ chức năng sớm để ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề sức khỏe và chỉnh nha nghiêm trọng sau này thông qua việc điều chỉnh sớm thói quen thở miệng và thói quen cơ chức năng kém.

Khí cụ Myobrace nhóm J hiệu quả nhất ở trẻ mọc răng sữa ngay từ khi trẻ được 3 tuổi.

Trong giai đoạn răng sữa, có sự tăng trưởng và phát triển sọ mặt tối ưu, đây là thời điểm lý tưởng để điều trị lâm sàng, tuy nhiên, sự hợp tác có thể là một vấn đề khó khăn ở nhóm tuổi này.

Chỉ định:

  • Cắn hở.
  • Cắn chéo răng trước và răng sau.
  • Cung răng hẹp.
  • Khoảng mọc răng không đủ.
  • Các vấn đề về cơ chức năng và thở sai.

 

khí cụ myobrace J1

Thiết kế của khí cụ Myobrace nhóm J:

(1) Vật liệu mềm dẻo – cho các ca mới bắt đầu, giúp trẻ thoải mái và nhanh thích nghi.
(2) Lỗ đệm khí – kích thích nhẹ và hiệu quả tới sự phát triển của các cơ hàm mặt.
(3) Đầu nâng lưỡi và phần bảo vệ lưỡi – luyện lưỡi đặt đúng vị trí và ngăn trẻ mút tay.
(4) Phần chặn môi (lip bumper) – giảm cường cơ môi.
(5) Hai lỗ thở lớn – mở đường thở cho thở bằng miệng.

 

 

Khí cụ Myobrace nhóm J có 3 giai đoạn: J1, J2 và J3

1.1. Myobrace® Junior giai đoạn 1 (Myobrace J1) – Thiết lập thở mũi và điều chỉnh thói quen

Khí cụ Myobrace J1 tập trung vào việc thiết lập thở mũi và điều chỉnh thói quen cơ chức năng ban đầu.

J1 mềm dẻo và đàn hồi, mang lại sự tuân thủ tốt nhất đồng thời vừa khít được với mọi loại hình cung răng và sai khớp cắn.

J1 có các lỗ thở lớn để ban đầu mở đường thở, cho phép thở miệng tối thiểu ở giai đoạn đầu điều trị và lỗ thông khí phía sau khuyến khích vận động các cơ nhai.

Chỉ chuyển sang Myobrace J2 khi J1 đã được đeo lưu lại qua đêm mà không bị rớt ra ngoài và thở mũi đã được thiết lập.

 

 

Chất liệu mềm dẻo của Myobrace giúp trẻ khởi đầu thoải mái, có thể vừa khít với mọi hình dạng cung răng và sai khớp cắn.
Chất liệu mềm dẻo – giúp trẻ khởi đầu thoải mái, có thể vừa khít với mọi hình dạng cung răng và sai khớp cắn.

 

 

Lỗ thở lớn giúp chuyển tiếp từ thở miệng và thiết lập đường thở chức năng ở trẻ.
Lỗ thở lớn – giúp chuyển tiếp từ thở miệng và thiết lập đường thở chức năng ở trẻ.

 

 

Lỗ đệm không khí cho phép tập luyện các cơ nhai đồng thời đưa hàm dưới về phía trước và mở đường thở.
Lỗ đệm không khí – cho phép tập luyện các cơ nhai đồng thời đưa hàm dưới về phía trước và mở đường thở.

 

Phần chặn môi (lip bumper) để ngăn cản cơ môi hoạt động quá mức khi nuốt ngược.
Phần chặn môi (lip bumper) – ngăn cản cơ môi hoạt động quá mức khi nuốt ngược.

 

 

Đầu lưỡi (hay tag lưỡi) khuyến khích việc định vị đầu lưỡi đúng cách.
Đầu lưỡi (hay tag lưỡi) – khuyến khích việc định vị đầu lưỡi đúng cách.

 

 

Phần nâng lưỡi để huấn luyện vị trí lưng lưỡi nằm trong vòm miệng.
Phần nâng lưỡi – huấn luyện vị trí lưng lưỡi nằm trong vòm miệng.

 

 

Các thành bên cao để giữ mô mềm ra xa, thúc đẩy sự phát triển của cung răng đồng thời tối ưu hóa khả năng lưu giữ khí cụ trong miệng.
Các thành bên cao – giữ mô mềm ra xa, thúc đẩy sự phát triển của cung răng đồng thời tối ưu hóa khả năng lưu giữ khí cụ trong miệng.

 

 

Khí cụ Myobrace có thể rơi ra vào ban đêm khi đang ngủ trong giai đoạn đầu điều trị. Nếu điều này xảy ra thì phải tăng cường sử dụng vào ban ngày.

 

1.2. Myobrace® Junior giai đoạn 2 (Myobrace J2) – nới rộng cung răng và tiếp tục điều chỉnh thói quen

Khí cụ Myobrace J2 tập trung vào việc phát triển cung răng và tiếp tục điều chỉnh thói quen.

J2 cứng chắc hơn, được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của cung răng và chỉnh tương quan hai hàm về vị trí đúng.

J2 có các lỗ thở nhỏ để duy trì nhịp thở bằng mũi liên tục và các tính năng cơ chức năng để điều chỉnh thói quen. Chuyển sang J3 khi J2 đã điều chỉnh được hình dạng cung răng, nhịp thở và các thói quen cơ chức năng.

Thiết kế J2 khá tương tự J1, nhưng chất liệu chắc chắn hơn để truyền thêm lực nhằm thúc đẩy sự phát triển cung răng.

 

Lỗ thở nhỏ để giúp thiết lập thở mũi (khác với J1 là lỗ thở lớn).
Lỗ thở nhỏ – giúp thiết lập thở mũi (khác với J1 là lỗ thở lớn).

 

 

1.3. Myobrace® Junior giai đoạn 3 (Myobrace J3) – Sắp đều răng, hoàn thiện việc điều chỉnh và duy trì thói quen

Khí cụ Myobrace J3 tập trung vào việc duy trì hình dạng cung răng, nhịp thở và các thói quen cơ chức năng.

Đây là loại khí cụ cứng chắc nhất trong dòng khí cụ Myobrace nhóm J, giúp duy trì hình dạng và thói quen cung răng tốt nhất, kết quả này (ở độ tuổi này) cuối cùng sẽ giúp mọc răng vĩnh viễn ở vị trí thẳng hàng tự nhiên.

Chuyển sang dòng khí cụ Myobrace nhóm K (khí cụ Myobrace for Kids) nếu cần điều trị thêm hoặc duy trì ở hệ răng hỗn hợp.

 

Khí cụ Myobrace J3.
Khí cụ Myobrace J3.

 

Khí cụ Myobrace nhóm J có 2 màu: hồng, xanh dương và 2 size: M, L.

 

Hướng dẫn sử dụng khí cụ Myobrace

Đeo khí cụ Myobrace từ một đến hai tiếng ban ngày cộng thêm qua đêm khi ngủ. Răng của trẻ có thể trở nên hơi nhạy cảm trong giai đoạn đầu điều trị là điều bình thường. Nếu đau nhiều thì nên giảm thời gian đeo với mục đích ghi nhớ và làm quen, sau đó tăng cường sử dụng bình thường khi cảm giác đau đã qua.

 

 

Cầm Myobrace® với tag lưỡi hướng lên trên.
Bước 1. Cầm khí cụ Myobrace với tag lưỡi hướng lên trên.

 

 

Bước 2. Đưa Myobrace® vào miệng.
Bước 2. Đưa khí cụ Myobrace vào miệng.

 

 

Bước 3 Giữ lưỡi ở vị trí trên tag lưỡi.
Bước 3. Giữ lưỡi ở vị trí trên tag lưỡi của khí cụ Myobrace.

 

 

Bước 4. Nhẹ nhàng cắn xuống và cảm nhận khí cụ có tác động lực căn chỉnh răng cửa và hàm.
Bước 4. Nhẹ nhàng cắn xuống và cảm nhận khí cụ có tác động lực căn chỉnh răng cửa và hàm.

 

 

Bước 5. Ngậm môi lại và thở bằng mũi.
Bước 5. Ngậm môi lại và thở bằng mũi.

 

Thời gian điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào khả năng thích nghi sinh học của mỗi bệnh nhân. Phải đeo khí cụ Myobrace hàng ngày để có kết quả thành công.

Sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ là rất cần thiết để điều trị thành công và tránh các biến chứng không mong muốn.

Làm sạch khí cụ Myobrace dưới vòi nước ấm mỗi khi tháo ra. Sử dụng viên Myoclean™ để làm sạch khí cụ hoàn toàn hai lần mỗi tuần.

 

 

Myoclean™ là chất tẩy rửa được khuyên dùng cho tất cả các khí cụ của MRC.
Myoclean™ là chất tẩy rửa được khuyên dùng cho khí cụ Myobrace cũng như tất cả các khí cụ của MRC.

 

 

Xem tiếp bài viết về hệ thống khí cụ Myobrace trong điều trị chỉnh nha sớm phần 2 tại đây.

 

Nguồn: https://www.myoresearch.com.

Nhasiupdate

Hãy gửi tin nhắn cho mình nhé!

Powered by ThemeAtelier