March 28, 2025

NhasiUpdate

Chuyên trang RHM

Hướng dẫn cách gắn mắc cài – P1 🆓

hướng dẫn chi tiết cách gắn mắc cài, những trường hợp cắn hở, cắn sâu cần chú ý

Kỹ thuật gắn mắc cài trong chỉnh nha đóng vai trò quan trọng trong thành công của quá trình điều trị chỉnh nha, yêu cầu sự chính xác cao và tuân thủ đúng quy trình.

Đối với các bác sĩ chỉnh nha, nắm vững cách gắn mắc cài không chỉ giúp đảm bảo hiệu quả điều trị mà còn tăng sự hài lòng của bệnh nhân.

Bài viết này sẽ đi sâu vào từng bước của quy trình gắn mắc cài trong chỉnh nha. Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích để các bác sĩ nâng cao kỹ năng và tối ưu hóa kết quả điều trị.

 

 

1. Xác định vị trí gắn mắc cài theo chiều gần xa (GX)

Các bác sĩ chỉnh nha thường nói rằng mắc cài nên được gắn ở trung tâm của răng theo chiều gần xa. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần vì không phải quy tắc này có thể áp dụng được cho tất cả các răng.

1.1. Đối với răng cửa hàm trên và hàm dưới

Cách gắn mắc cài chuẩn là nên gắn ở trung tâm hay chính giữa chiều gần xa của thân răng.

 

Các đường dọc thể hiện trung tâm trục răng theo chiều GX.
Hình 7.1. Các đường dọc thể hiện trung tâm trục răng theo chiều gần xa. Mắc cài nên được gắn với độ cao đúng và vị trí gắn mắc cài phải nằm trên đường này (độ cao sẽ được nói đến sau).

 

 

1.2. Đối với răng nanh

Cách gắn mắc cài răng nanh ở trung tâm chiều gần xa sẽ dẫn đến sai vị trí điểm tiếp xúc (hoặc diện tiếp xúc) và sự xoay nhẹ của răng nanh vì răng nanh hơi nhô nhẹ ở phía gần (răng nanh hàm trên).

Do đó cách gắn mắc cài răng nanh là mắc cài nên được gắn hơi lệch về phía gần so với trung tâm chiều gần xa.

 

Gờ nhô nhất mặt ngoài răng nanh và cách gắn mắc cài răng nanh nên được gắn với độ cao phù hợp và phải nằm trên đường này.
Hình 7.2. Đường dọc thể hiện gờ nhô nhất mặt ngoài răng nanh. Mắc cài răng nanh nên được gắn ở độ cao phù hợp và phải nằm trên đường này (độ cao sẽ được nói đến sau).

 

1.3. Đối với răng cối nhỏ hàm dưới

Roth đề nghị mắc cài răng cối nhỏ nên gắn ở vị trí nhô nhất ở mặt ngoài, vị trí gắn mắc cài này cũng thường nằm ở trung tâm chiều gần xa của răng.

Có đôi khi phần nhô nhất này nằm hơi lệch về phía gần nhưng độ lệch này nhỏ hơn so với răng nanh.

Sự khác biệt vị trí cách gắn mắc cài răng cửa và răng cối nhỏ là sự hiện diện của múi trong các răng cối nhỏ cần phải được cân nhắc khi gắn mắc cài.

Ở răng cối nhỏ hàm dưới, múi ngoài và múi trong nằm trên cùng một đường theo chiều gần xa. Do đó khi gắn mắc cài cho răng cối nhỏ hàm dưới thì rãnh định vị mắc cài nên trùng với đường nối đỉnh múi ngoài và múi trong.

 

Cách gắn mắc cài R5 hàm dưới được gắn sao cho đường nối đỉnh múi ngoài và múi trong đi qua rãnh định vị mắc cài
Hình 7.3. Mắc cài R5 hàm dưới được gắn sao cho đường nối đỉnh múi ngoài và múi trong đi qua rãnh định vị mắc cài, vì đỉnh múi ngoài và múi trong răng cối nhỏ hàm dưới ngang nhau theo chiều gần xa.

 

 

1.4. Đối với răng cối nhỏ hàm trên

Cách gắn mắc cài răng cối nhỏ hàm trên khác với cách gắn mắc cài răng cối nhỏ hàm dưới vì răng hàm trên có độ xoay nhẹ.

Theo tiêu chuẩn của Andrew (sáu tiêu chuẩn khớp cắn bình thường) thì múi ngoài răng cối nhỏ hàm trên nên hơi lệch nhẹ về phía xa hơn so với múi trong (theo chiều gần xa).

Do đó ở răng cối nhỏ hàm trên, mắc cài nên được gắn sao cho rãnh định vị mắc cài hơi lệch nhẹ về phía gần khoảng 0.5 mm so với đường nối đỉnh múi ngoài và múi trong.

 

Cách gắn mắc cài răng cối nhỏ hàm trên

Hình 7.4. A, Nếu kết thúc điều trị mà múi ngoài và múi trong răng cối nhỏ hàm trên thẳng hàng theo chiều gần xa thì kết quả khớp cắn không tối ưu.

B và C, Khi đỉnh múi ngoài nằm ở vị trí khoang tiếp cận (embrasure) của hai răng cối nhỏ hàm dưới tương ứng thì múi trong sẽ hơi lệch về phía gần để ăn khớp với hố tam giác của răng cối nhỏ tương ứng.

D, Mắc cài R5 được gắn hơi lệch về phía gần so với đường nối đỉnh múi ngoài-múi trong. Cách gắn mắc cài ở vị trí này sẽ giúp xoay múi ngoài lại cho có độ lệch nhẹ về phía xa, múi trong sẽ lệch nhẹ về phía gần để đạt tương quan hạng I răng cối lớn tốt nhất.

 

 

Đối với ca thiết lập khớp cắn răng cối hạng III nguyên múi thì vẫn chưa có kết luận chính thức từ y văn nhưng theo kinh nghiệm của tác giả thì cách gắn mắc cài răng cối nhỏ hàm trên giống như ca hạng I nếu điều trị bằng phẫu thuật.

Còn nếu điều trị ca hạng III bù trừ thì vị trí gắn mắc cài răng cối nhỏ hàm trên hơi lệch về phía xa để múi ngoài và múi trong thẳng hàng theo chiều GX, giúp bù trừ tương quan với kết quả răng nanh hạng I và răng cối hạng III nguyên múi.

 

1.5. Đối với răng cối lớn hàm trên và hàm dưới

Thường là gắn khâu (band). Cho dù là gắn khâu (band) hay ống (tube) thì vị trí tốt nhất theo chiều GX là dựa theo múi gần ngoài. Phần tận cùng phía gần của ống (tube) nên nằm ngay dưới đỉnh múi gần ngoài.

 

Gắn khâu răng cối lớn hàm trên và hàm dưới.
Hình 7.5. Gắn khâu răng cối lớn hàm trên và hàm dưới. Phần tận cùng phía gần của ống nên nằm ngay dưới đỉnh múi GN. Quy tắc này được áp dụng cho cả R6 và R7 trên dưới.

 

Kiểm tra chiều GX của mắc cài bằng cách quan sát trực tiếp hoặc gián tiếp (qua gương).

 

Kiểm tra vị trí mắc cài theo chiều GX qua gương.
Hình 7.6. Kiểm tra vị trí mắc cài theo chiều GX qua gương. A, Răng cửa hàm trên. B, Răng cửa hàm dưới. C, Răng cối hàm trên.

 

1.6. Những thay đổi cách gắn mắc cài theo chiều GX trong một số trường hợp đặc biệt

1.6.1. Răng xoay

Trong trường hợp răng xoay thì vị trí gắn mắc cài hơi lệch về phía bên bị xoay nhiều hơn một chút (theo chiều GX).

 

Cách gắn mắc cài cho R5 hàm trên bị xoay.
Hình 7.7. R5 hàm trên bị xoay. Răng xoay theo hướng xa trong nên mắc cài được gắn lệch về phía xa nhiều hơn so với thông thường.

 

Cách gắn mắc cài như vậy sẽ giúp chỉnh răng xoay trở lại đúng vị trí và còn bù trừ được phần nào sự tái phát sau khi tháo mắc cài.

Tuy nhiên có đôi lúc răng bị xoay nhiều hoặc chen chúc nhiều khiến cho không thể gắn được mắc cài theo đúng trung tâm GX của răng.

Trong những trường hợp như vậy thì mắc cài sẽ được gắn sát về phía bên lệch nhất có thể (theo chiều GX).

 

Cách gắn mắc cài cho răng cửa giữa hàm trên bên phải bị xoay.
Hình 7.8. Răng cửa giữa hàm trên bên (P) bị xoay. KHÔNG thể gắn mắc cài trên răng cửa này theo đúng trung tâm GX của răng, khi đó mắc cài sẽ được gắn sát phía gần nhất có thể. Mặt phía gần của mắc cài không được tiếp xúc với răng cửa bên trái vì sẽ không đi dây vào được đồng thời sẽ gây khó khăn khi cột dây.

 

Sau khi răng được khử xoay đủ để gắn mắc cài đúng trung tâm GX của răng thì tháo mắc cài ra và gắn lại đúng vị trí.

Có trường hợp răng bị xoay 180 độ, mặt trong trở thành mặt ngoài. Khi đó mắc cài sẽ được gắn lên mặt răng ở phía ngoài (dù nó là mặt ngoài hay mặt trong của răng).

 

Cách gắn mắc cài cho răng cửa hàm dưới bên phải bị xoay 180 độ.
Hình 7.9. Răng cửa hàm dưới bên phải bị xoay 180 độ. Sự xoay này được giữ nguyên và mắc cài được gắn lên mặt răng đối diện phía môi (má).

 

 

Trong trường hợp lâm sàng mà răng nanh được dùng để thay thế vị trí răng cửa bên hàm trên (ví dụ thiếu răng cửa bên bẩm sinh) thì phần nhô mặt ngoài răng nanh sẽ được mài phẳng đi để có hình dạng giống răng cửa bên và gắn mắc cài lên đúng trung tâm chiều GX của răng sau khi đã mài chỉnh xong, thay vì gắn hơi lệch về phía gần như đã nói ở trên, nhằm đảm bảo răng có sự tiếp xúc chặt với răng cửa giữa.

Đối với răng cối nhỏ thay thế vị trí răng nanh thì gắn mắc cài hơi lệch về phía xa so với trung tâm chiều gần xa của răng.

Cách gắn mắc cài như vậy sẽ giúp xoay răng theo chiều gần trong, làm tăng kích thước chiều gần xa của răng, khiến cho phần phía gần có độ nhô giống với răng nanh, đồng thời nhờ đó có thể làm ẩn đi múi trong của răng cối nhỏ, cải thiện tương quan khớp cắn với răng nanh hàm dưới.

Múi trong cần phải được mài bớt để tránh chạm sớm các răng đối diện ở hàm dưới.

 

2. Xác định hướng trục của mắc cài

Hướng trục của mắc cài có liên quan đến độ tip của răng (độ tip là độ nghiêng răng theo chiều GX).

Với hệ thống mắc cài Edgewise cổ điển, nghĩa là mắc cài không có độ tip nào thì được gắn chéo so với trục răng. Mức độ chéo của mắc cài khi gắn tương ứng với độ tip mà răng cần có (hình 7.10).

 

Mắc cài edgewise cổ điển (không có độ tip) được gắn không theo trục răng mà phải gắn chéo để tạo độ tip cần thiết cho răng.
Hình 7.10. Mắc cài edgewise cổ điển (không có độ tip) được gắn không theo trục răng mà phải gắn chéo để tạo độ tip cần thiết cho răng.

 

Đối với mắc cài preadjusted edgewise (mắc cài có độ) thì độ tip đã được thiết kế sẵn trên mắc cài nên cánh mắc cài và rãnh định vị được gắn song song với trục dài của thân răng lâm sàng (hình 7.11).

 

Mắc cài preadjusted hay mắc cài có độ. Gắn mắc cài song song với trục thân răng lâm sàng sẽ làm cho răng xoay cùng chiều kim đồng hồ. C, Gắn mắc cài sao cho trục dài của răng song song với trục mắc cài (rãnh định vị và cánh mắc cài).
Hình 7.11. A và B, Mắc cài preadjusted (mắc cài có độ) cho răng cửa bên trái hàm trên. Cách gắn mắc cài song song với trục thân răng lâm sàng sẽ làm cho răng xoay cùng chiều kim đồng hồ. C, Gắn mắc cài sao cho trục dài của răng song song với trục mắc cài (rãnh định vị và cánh mắc cài).

 

Tuy nhiên, luôn có một vài khác biệt giữa độ nghiêng của trục thân răng so với trục răng (trục chân răng) theo chiều gần xa (hình 7.12).

 

Sự khác biệt giữa trục thân răng lâm sàng với trục răng thực sự (trục chân răng).
Hình 7.12. Luôn có sự khác biệt giữa trục thân răng lâm sàng với trục răng thực sự (trục chân răng).

 

Gắn mắc cài theo trục chân răng có thể gây ra sai lệch vị trí mắc cài trên thân răng.

Andrew cho rằng trên miệng chỉ có thể quan sát được thân răng do đó độ tip của răng nên theo độ nghiêng của trục thân răng lâm sàng (long axis của clinical crown – LACC) chứ không phải là theo trục chân răng.

Nhưng nếu chỉ tuân theo LACC thì có thể dẫn đến các chân răng song song với nhau và trong một số trường hợp còn gây tiêu chân răng do các chân răng quá gần nhau (hình 7.13).

 

Chân răng cửa bên quá sát chân răng cửa giữa dễ gây nguy cơ tiêu chân vùng này.
Hình 7.13. Mắc cài trên răng cửa bên được gắn dựa theo trục thân răng lâm sàng (LACC). X quang cho thấy trục mắc cài không trùng với trục chân răng. Chân răng cửa bên quá sát chân răng cửa giữa dễ gây nguy cơ tiêu chân vùng này.

 

Do đó, cách gắn mắc cài tốt nhất vẫn nên gắn dựa theo LACC, nhưng bác sĩ phải luôn tự nhắc nhở về vị trí chân răng trong đầu mình, để biết nguy cơ tiêu chân răng và thay đổi theo trục răng nếu cần thiết.

Cách gắn mắc cài dựa theo trục chân răng (chứ không phải LACC) rất dễ gây ra tình trạng hở tiếp xúc, hay nói đúng hơn là tiếp xúc răng và khoang tiếp cận (embrasure) không đồng đều (hình 7.14).

 

Tỉ lệ vàng về diện tiếp xúc giữa các răng trước.
H7.14. A, Tỉ lệ vàng về diện tiếp xúc giữa các răng trước. B, Trường hợp ca lâm sàng có chân răng cửa giữa bị nghiêng lệch. Khi đó cách gắn mắc cài theo LACC sẽ giúp đạt diện tích tiếp xúc lí tưởng nhưng chân răng lại bị ảnh hưởng và dễ bị tiêu. C, Cách gắn mắc cài theo trục chân răng làm giảm tỉ lệ tiếp xúc mặt bên, có thể điều chỉnh bằng cách đắp composite hoặc mài kẽ ở giai đoạn cuối điều trị.

 

Một số bác sĩ lâm sàng thích lấy rìa cắn răng cửa như là điểm mốc để định vị trục mắc cài.

Tuy nhiên rìa cắn răng cửa luôn không bằng phẳng do mòn răng, chấn thương hoặc mamelon. Do đó trong những trường hợp như vậy, không nên lấy rìa cắn răng cửa để làm mốc định vị khi gắn mắc cài.

Bên cạnh đó cũng không nên dùng zenith cổ răng (xem lại bài tiêu chuẩn đánh giá thẩm mỹ răng trước) làm mốc để gắn mắc cài vì dễ bị thay đổi do nhiều hình thức tụt nướu (hình7.15).

 

Mamelon ở răng cửa giữa, mòn rìa cắn răng cửa dễ làm thay đổi trục răng nếu được sử dụng làm chuẩn. Zenith cổ răng lệch về phía gần do tụt nướu.
H7.15. A, Mamelon ở răng cửa giữa sẽ gợi ý nhiều trục răng khác nhau. B, Mòn rìa cắn răng cửa dễ làm thay đổi trục răng nếu được sử dụng làm chuẩn. C, Zenith cổ răng lệch về phía gần do tụt nướu.

 

Việc xác định đúng trục mắc cài rất quan trọng nhằm đạt khớp cắn và thẩm mỹ tối ưu. Tăng độ tip có thể làm tăng chiều dài cung răng, tăng nguy cơ chân răng tiếp xúc sát nhau và gây tiêu chân (hình 7.16).

 

 

Mắc cài preadjusted (mắc cài có độ) được gắn theo đúng trục răng sẽ làm tăng hoặc giảm độ tip so với độ tip có sẵn của mắc cài.
H7.16. A và B, Mắc cài preadjusted (mắc cài có độ) được gắn không đúng trục răng sẽ làm tăng hoặc giảm độ tip so với độ tip có sẵn của mắc cài. C, X quang cho thấy sự tăng và giảm độ tip các răng cửa do cách gắn mắc cài sai vị trí. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ tiêu chân răng do kết quả các chân răng quá gần nhau. D và E, Vị trí gắn mắc cài quá lệch (chéo) ở răng cửa giữa hàm trên làm mất diện tiếp xúc và khoang tiếp cận (embrasure) giữa các răng, hình thành tam giác đen.

 

Xem tiếp phần 2 cách gắn mắc cài tại đây.

 

Nguồn: Orthodontic brackets selection, placement and debonding – Dr. Haris Khan.

Nhasiupdate

Hãy gửi tin nhắn cho mình nhé!

Powered by WpChatPlugins